Sử dụng “Sự kiện bất khả kháng” và “Hoàn cảnh thay đổi cơ bản” trong hợp đồng

1.Khái niệm “Sự kiện bất khả kháng” và “Hoàn cảnh thay đổi cơ bản” trong hợp đồng:

1.1 Sự kiện bất khả kháng

“Sự kiện bất khả kháng” là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép (căn cứ khoản 1 Điều 161 Bộ luật Dân sự 2015).

1.2 Hoàn cảnh thay đổi cơ bản

Khái niệm “hoàn cảnh thay đổi cơ bản” lần đầu tiên xuất hiện trong văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam là vào năm 2015 (Điều 420 Bộ luật Dân sự 2015).

Bộ luật Dân sự 2015 không đưa ra định nghĩa “hoàn cảnh thay đổi cơ bản” là gì; thay vào đó quy định “hoàn cảnh thay đổi cơ bản” khi có đủ các điều kiện sau đây:

“a) Sự thay đổi hoàn cảnh do nguyên nhân khách quan xảy ra sau khi giao kết hợp đồng;

b) Tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh;

c) Hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác;

d) Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên;

đ) Bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích.”

2. Lưu ý khi ký kết hợp đồng:

Căn cứ các quy định nêu trên, thực tế sẽ xảy ra một ba trường hợp: “sự kiện bất khả kháng”; “hoàn cảnh thay đổi cơ bản và đồng thời được coi là “sự kiện bất khả kháng”“hoàn cảnh thay đổi cơ bản”.

Đối với trường hợp đồng thời được coi là “sự kiện bất khả kháng”“hoàn cảnh thay đổi cơ bản” thì bên bị ảnh hưởng của sự kiện/hoàn cảnh đó cần phải xem xét quyết định viện dẫn lý do nào. Cụ thể:

(i) Nếu viện dẫn “sự kiện bất khả kháng” thì bên viện dẫn phải đưa ra lý do việc không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ của mình do sự kiện xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép nhằm mục đích miễn trừ nghĩa vụ, bồi thường thiệt hại hoặc làm căn cứ chấm dứt hợp đồng.

(ii) Nếu viện dẫn “hoàn cảnh thay đổi cơ bản” thì bên viện dẫn phải đưa ra lý do nhằm thỏa thuận lại hợp đồng để tiếp tục thực hiện hợp đồng với các điều khoản sửa đổi đó.

—————————————————————————————————————————————————–

LUẬT SƯ TỈNH BẾN TRE – TƯ VẤN PHÁP LUẬT MIỄN PHÍ
☎️ HOTLINE (ZALO): 0359 105 102

Email: lsvothanhden@gmail.com

Website: www.phaplymekong.vn

Mã số thuế: 1301127280

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *